Apr 19, 2024

Tác giả

Tô Ðông Pha - Tô Thức - 蘇軾
Hình ảnh
#1

tiểu sử tác giả

Tô Thức 蘇軾 (1036-1101) tự là Tử Chiêm 子瞻, hiệu là Đông Pha cư sĩ 東坡居士, người My Sơn (nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc). Ông từng làm quan Thông phán, Thái thú. Cha là Tô Tuân, em là Tô Triệt, đều là các đại gia thi văn, đương thời người ta gọi là Tam Tô, thái độ của ông rất hào sảng lạc quan, tuy ông làm quan thăng giáng nhiều lần, song ông không để ý, vẫn ưu du tự tại, đọc sách làm vui, ông là người giàu tình cảm, cho nên phản ánh tới từ của ông, vừa hào phóng lại vừa tình tứ.

Ông là người có tài nhất trong số bát đại gia của Trung Hoa (từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIII), khoáng đạt nhất, tư tưởng và tính tình cũng phức tạp nhất.

Ông sinh năm 1036 (có sách nói là 1037), mất năm 1101. Hồi 10 tuổi, cha là Tô Tuân đi du học bốn phương; mẹ, họ Trình, dạy ông học. Khi nghe giảng về truyện Phạm Bàng, ông khái nhiên hỏi mẹ: "Con sau này được như Phạm Bàng, mẹ có chịu không?". Bà mẹ đáp: "Con mà được như Phạm Bàng thì mẹ sao lại không làm được như mẹ Bàng?"

Mới mười lăm mười sáu tuổi ông đã thông kinh sử, rất thích đọc sách của Giả Nghị và Lục Chí). Như vậy ta thấy ông rất trọng đạo Nho và có chí giúp nước. Nhưng khi đọc sách Trang Tử, ông lại bảo: "Trước kia tôi có ý kiến, nhưng chưa diễn ra được; nay đọc sách này, hợp ý tôi quá". Tính tình ông phức tạp, mâu thuẫn ở điểm đó; suốt đời ông chịu ảnh hưởng cả Nho, lẫn Lão và Phật nữa, nhờ vậy mà tâm hồn ông khoáng đạt, tuy trong hoạn đồ chìm nổi nhiều phen mà không có giọng ai oán như Giả Nghị, Liễu Tôn Nguyên, vẫn mỉa mai ngạo đời được. Cũng nhờ vậy mà văn ông siêu thoát, có nhiều vẻ hơn các nhà khác.

Năm 21 tuổi ông đậu Tiến sĩ, nhờ bài Hình thưởng trung hậu chi chí luận (bài này Âu Dương Tu rất thưởng thức, ngờ là của Tăng Củng làm nên không lấy ông khôi nguyên mà hạ xuống á nguyên). Ông lãnh chức Chủ bạ Phúc Xương rồi làm quan luôn ba chục năm, nhưng chìm nổi bất thường, một phần vì ông có giọng mỉa mai, hay làm thơ châm biếm về chính trị, nên ít người ưa; một phần vì ông đứng vào phe cựu đảng của Tư Mã Quang, nên khi tân đảng của Vương An Thạch lên cầm quyền thì ông bị biếm ra những châu quận ở ngoài.

Ông làm Thông phán ở Hàng Châu, rồi chuyển qua Mật Châu, Từ Châu, Hồ Châu; có hồi vì chê bai tân pháp mà bị giam bào ngục, rồi biếm đi Hoàng Châu, làm chức Đoàn luyện phó sứ. Ở Hoàng Châu, ông cùng các ông lão nhà quê ngao du sơn thuỷ, cất nhà ở một sườn núi phía đông (đông pha), rồi lấy hiệu là Đông Pha cư sĩ (do đó người đời sau gọi ông là Tô Đông Pha).

Năm 1085, vua Triết Tôn lên ngôi, Thái Hoàng Thái hậu đương chính, bỏ chính sách của Vương An Thạch, dùng cựu đảng, ông được gọi về kinh, nhận chức Trung thư xá nhân, rồi chức Hàn lâm học sĩ kiêm Thị độc học sĩ, nhưng không được lâu, rồi lại bị đổi ra Hàng Châu, Dĩnh Châu, Định Châu cũng vì tánh hay châm biếm.

Năm 1093, vua Triết Tôn mới thực cầm quyền, lại dùng tân đảng, và hoạn đồ của ông càng trắc trở, bị biếm hai ba lần, có lần tới Quỳnh Châu (nay là đảo Hải Nam). Sống tịch mịch, già cả mà vất vả, phải cất lấy nhà mà ở, thuốc thang không có, đành viết sách để tiêu khiến. Năm 1100, vua Huy Tôn lên ngôi, ông được đại xá, về lục địa, năm sao mất ở Thường Châu.

Ông ở trong phái thủ cựu, không ưa những cải cách mạnh bạo của Vương An Thạch, khi luận về chính trị thường giữ đạo trung hoà, không cầu gấp thành công, cứ bình tĩnh đợi sự tình biến đổi mà đối phó. Ông viết những bài Tần Thuỷ Hoàng luận, Thương Ưởng luận, mượn cổ mà chê kim, có ý so sánh chính sách của Vương An Thạch với chính sách của Tần Thuỷ Hoàng, của Thương Ưởng, bảo chính sách đó dùng ít thì hại ít, càng dùng nhiều càng hại nhiều.

Tuy nhiên ông không phải là cổ hủ, rất lo đến kinh tế, võ bị, lập một kế hoạch di dân, đề nghị nuôi binh ở trong dân (thời bình thì là nông dân, nhưng luyện tập quân sự để thời loạn thì thành lính), ông lại thực hiện được công việc khơi sông ở Từ Châu, công việc đắp đê ở Hàng Châu, làm lợi cho nông dân rất nhiều. Đê đó mang tên ông (Tô đê), trồng đào liễu ở hai bên, rất ngoạn mục.

Ông sáng tác được 4000 bài thơ, 300 bài từ, tản văn rất nhiều bày hay (như Phóng Hạc đình kí, Tiền Xích Bích phú, Hậu Xích Bích phú, v.v...) Tác phẩm ông lưu lại có bộ Đông Pha văn tập 60 quyển, bộ Đông Pha thi tập 25 quyển, bộ Đông Pha từ 1 quyển, bộ Cửu Trì bút kí 2 quyển, bộ Đông Pha chí lâm 5 quyển. Ngoài ra, vâng lời dặn dò của cha lúc lâm chung, ông viết tiếp cuốn Dịch truyện mà cha bỏ giở, rồi viết thêm những cuốn: Luận ngữ thuyết, Thư truyện để truyền bá đạo Khổng. Văn nhân đương thời rất trọng ông, và coi ông là người nối gót Âu Dương Tu trên văn đàn.

Ông vì chịu ảnh hưởng của Lão, Trang, nên văn ông như hành vân lưu thuỷ, hùng vĩ mà khoáng đạt, không chịu một sự trói buột nào cả (như bài Siêu nhiên đình kí, Phóng hạc đình kí và nhất là bài Tiền Xích Bích phú).

Chẳng những văn ông hay, thơ ông tuyệt mà vẽ cũng khéo, viết chữ cũng tài, ông lại thông cả âm nhạc nữa. Thực là một thiên tài trác việt. Lâm Ngữ Đường, một học giả Trung Hoa hiện nay, rất trọng ông, cho rằng văn ông càng về già càng bình dị, sâu sắc, viết một cuốn kể đời ông, tức cuốn The gay genius - Life and times of Su Tungpo.

Chú thích: bát đại gia
Bát đại gia gồm có Hàn Dũ, Liễu Tôn Nguyên đời Đường, Âu Dương Tu, Tô Tuân (cha Tô Thức), Tô Thức, Tô Triệt (em Tô Thức), Vương An Thạch và Tăng Củng.

Một danh tướng đời Đông Hán, có công dẹp rợ Khương. Khi ở Ký Châu giặc nổi lên, ông hiên ngang lên xe tới dẹp; giặc nghe tin ông tới, giải tán ngay.

Sự Nghiệp Chính Trị

*Sự Nghiệp Chính Trị
Đông Pha là một nhà chính trị theo Cựu Đảng do Tư Mã Quang cầm đầu. Ông là người chỉ trích mạnh mẽ nhất tân pháp của Tân Đảng do Vương An Thạch cầm đầu. Ông là người theo đạo Phật, có lònh từ bi và rất mực yêu thương nhân dân, không tham ô hối lộ. Ông là người có tính cương trực, ít giữ mồm giữ miệng, có gì nói đấy nên sự nghiệp chính trị của ông đầy sóng gió.

- Năm 1057, sau khi thi đậu, mẹ ông mất, ông phải cùng cha và em chịu tang, không lĩnh chức vụ gì hết.

- Năm 1060, Đông Pha nhận được một chức quan nhỏ là chủ bạ huyện Phúc Xương tỉnh Hà Nam.

- năm 1061, nhậm chức Thiêm phán phủ Phượng Tường tỉnh Thiểm Tây.

- Năm 1065, vào làm việc ở Sử Quán có cơ hội đọc những sách quí và các danh họa tàng trữ ở bí thư các.

- Năm 1066, cùng em là Tử Do xin nghỉ việc quan lo tang cho cha. Họ phải bỏ gần một năm, vượt mấy nghìn cây số để đưa quan tài cha về quê nhà chôn cất.

- Năm 1069, Đông Pha trở lại kinh thành nhận chức Gián quan. Suốt những năm sau đó ông cùng em đả kích mạnh mẽ các chính sách cải cách của Tân Đảng như "Phép Thị Dịch", "Phép Mộ Dịch" do thừa tướng Vương An Thạch thi hành.

- Có lần Đông Pha bị người nhà của Vương An Thạch vu oan là lạm dụng quyền lực cướp tiền dân mua bát đĩa. Vua Thần Tôn không nghe lời dèm pha mà giáng chức Đông Pha, nhưng chuyển ông ra Hàng Châu. Từ đó, Tân Đảng lần lần nắm hết quyền hành trong triều, nhưng do hấp tấp thi hành các chính sách, sau khi đem quân đánh thua các nước Tây Hạ, Liêu và Việt Nam (2 lần thua Lý Thường Kiệt năm 1075, 1076), Vương An Thạch bị cắt chức và sự nghiệp chính trị bị chấm dứt.

- Năm 1071, Đông Pha làm quan ở Hàng Châu.



1. Định phong ba 24. Hạ tân lang - Hạ cảnh 47. Tặng Lĩnh Thượng mai
2. Động tiên ca 25. Hải đường 48. Tịch thượng đại nhân tặng biệt kỳ 1
3. Đào Nguyên ức cố nhân - Mộ xuân 26. Hậu thập dư nhật phục chí 49. Tịch thượng đại nhân tặng biệt kỳ 2
4. Đông chí nhật độc du Cát Tường tự 27. Hoạ Tử Do Hàn thực 50. Tịch thượng đại nhân tặng biệt kỳ 3
5. Đông Pha 28. Hoài thượng tảo phát 51. Tây giang nguyệt kỳ 1
6. Đơn vịnh dược mã Đàn Khê sự 29. Hoán khê sa kỳ 1 52. Tây giang nguyệt kỳ 2 - Trùng cửu
7. Điệp luyến hoa - Xuân tình 30. Hoán khê sa kỳ 2 53. Tây giang nguyệt kỳ 3
8. Bệnh trung du Tổ Tháp viện 31. Hoán khê sa kỳ 3 54. Tú Châu Báo Bản thiền viện hương tăng Văn trưởng lão phương trượng
9. Bốc toán tử 32. Lâm giang tiên - Dạ quy Lâm Cao 55. Thấm viên xuân
10. Bốc vận toán nguyên - Cảm cựu 33. Lô sơn 56. Thập nhị nguyệt thập tứ nhật dạ vi tuyết minh nhật tảo vãng Nam khê tiểu chước chí vãn
11. Bát thanh Cam Châu - Ký Sâm Liêu tử 34. Mai hoa kỳ 1 57. Thái tang tử
12. Cấp giang tiên trà 35. Mai hoa kỳ 2 58. Thiếu niên du
13. Cát Tường tự hoa tương lạc nhi Trần Thuật Cổ kỳ bất chí 36. Mãn giang hồng - Hoài Tử Do tác 59. Thuỷ điệu ca đầu - Hoàng Châu Khoái Tai đình tặng Trương Ác Thuyên
14. Cát Tường tự tăng cầu các danh 37. Mãn giang hồng - Lưu tặng Chu Thọ Xương 60. Thuỷ điệu ca đầu - Trung thu
15. Chính nguyệt nhị thập nhất nhật bệnh hậu Thuật Cổ yêu vãng thành ngoại tầm xuân 38. Minh nhật trùng cửu diệc dĩ bệnh bất phó Thuật Cổ hội tái dụng tiền vận 61. Thuỷ long ngâm - Thứ vận Chương Chất Phu "Dương hoa từ"
16. Chiêu Quân oán 39. Nam ca tử 62. Tiền Xích Bích phú
17. Dương Quan khúc - Lý Công Trạch 40. Ngu mỹ nhân 63. Trần châu
18. Dương Quan khúc - Quân trung 41. Nhất hộc châu 64. Trúc diệp tửu
19. Dương Quan khúc - Trung thu tác 42. Niệm nô kiều - Trung thu 65. Vọng Giang Nam - Siêu Nhiên đài tác
20. Giang thành tử - Ất Mão chính nguyệt nhị thập nhật dạ ký mộng 43. Niệm nô kiều - Xích Bích hoài cổ 66. Vĩnh ngộ lạc - Bành Thành dạ túc Yến Tử lâu, mộng Miến Miến, nhân tác thử từ
21. Giang thành tử - Biệt Từ Châu 44. Sằn lão tập Thiên Khánh quán tiểu viên hữu đình bắc hướng đạo sĩ Sơn Tông thuyết khất danh dữ thi 67. Xuân dạ
22. Giang thành tử - Mật châu xuất liệp 45. Sơ tự Kính Sơn quy Thuật Cổ triệu ẩm Giới Đình dĩ bệnh tiên khởi 68. Xuân giang vãn cảnh
23. Giá cô thiên 46. Song Hà Diệp - Hồ châu Giả Vân lão tiểu kỹ danh Song Hà Diệp 69. Xuân tiêu

****

Tô Đông Pha

Suốt đời Đường và đời Tống, từ đầu thế kỷ thứ VII đến cuối thế kỷ XIII, nghĩa là suốt bảy thế kỷ, Trung Hoa có tám văn hào lớn nhất (bát đại gia), thì riêng họ Tô đã chiếm được ba rồi: Tô Tuân (l009-1066), Tô Thức (1037-1101) và Tô Triệt (1039-1112), còn năm nhà kia là Hàn Dũ, Liễu Tôn Nguyên đời Đường, Âu Duơng Tu, Vuơng An Thạch và Tăng Củng đời Tống, đồng thời với “tam Tô" (ba cha con họ Tô).

Bát đại gia đó là tám nhà nổi tiếng nhất về cổ văn, nhưng trừ Tăng Củng, nhà nào cũng có tài về thơ, phú và người có tài nhất cả về cổ văn lẫn thơ, phú là Tô Thức. Ông không phải là sử gia hay tiểu thuyết gia, nên không lưu lại những tác phẩm dài như Sử ký của Tư Mã Thiên hoặc Thủy hử của Thi Nại Am, ông chỉ làm thơ, phú, viết những tản văn ngắn ngắn, vậy mà gom cả lại cũng thành một bộ toàn tập đồ sộ, khoảng một triệu chữ, nếu dịch hết ra tiếng Việt thì không dưới ba ngàn trang. Riêng về thi, từ, ông có tới một ngàn bảy trăm bài, lượng không thua Lý Bạch, Đỗ Phủ, mà thần tuy xét chung không phiêu dật, kì đặc như Lý, không chua xót và đạt tới mức nghệ thuật tuyệt cao như Đỗ, nhưng vừa khoáng đạt, tự nhiên vừa đẹp mà hùng, đáng đứng đầu các thi nhân đời Tống. Còn cổ văn của ông thì ai cũng nhận rằng trong bát đại gia, không ai địch nổi, hễ ông hạ bút là thành văn, không lập ý trước, cứ đưa một hơi, tới lúc vào thấy phải ngừng thì ngừng, gợi cho ta cái cảm giác như “hành vân, lưu thủy" (1) vậy, nhã thú đặc biệt như "tiếng chim mùa xuân, tiếng dế mùa thu" hoặc "tiếng vượn trong rừng", "tiếng hạc trên không" , đến nỗi Âu Dương Tu phải khen rằng hôm nào mà nhận được một bài văn hay một bài thơ của ông thì vui sướng suốt ngày, còn vua Thân Tôn đương bữa ngự thiện mà đưa đôi đũa lên, quên gắp thức ăn thì ai cũng đoán ngay được là mải đọc văn của Tô Thức.
Vậy hào quang ông chói lọi vào bực nhất trên văn đàn, thi đàn Trung quốc. Lại thêm ông viết đẹp vẽ khéo mở đường cho một phái họa mới, phái "thi nhân họa ". Ông không phải là triết gia, nhưng đã đem triết lý của Phật, Lão vào trong thơ văn áp, dụng chủ trương thân dân của đạo Khổng và triết lý từ bi của đạo Phật vào việc trị dân, đào kinh đắt đập chống thiên tai, cứu sống hằng vạn dân nghèo, lúc rảnh rang thì ngao du sơn thủy, tìm cái thú trăng thanh gió mát như môn đệ của Lão Trang.

Danh vọng cao nhất thời mà tính tình lại bình dân; có thời cày ruộng lấy, cất nhà lấy, sống y như một lão nông. Giao thiệp với hạng người nào, từ nhà vua tới các đại thần, chủ quán, tu sĩ, bần dân, ông cũng tự nhiên, thành thực, không hề ngượng nghịu, cách biệt. Ông lạc quan, khoáng đạt, nên trong cuộc đời rất đỗi chìm nổi của ông, khi lên được những địa vị cao nhất, làm thầy dạy học cho vua, quyền hành như một tể tướng ông không lấy làm vinh, không gây bè gây đảng để bám lấy địa vị, trái lại lúc nào cũng sẵn sàng xin đổi lấy một chức quan nhỏ ở ngoài; mà khi gặp những cảnh đắng cay nhất, bị giam suýt bị xử tử rồi bị đày ra đảo Hải Nam, một miền hồi đó rất man rợ, ông cũng không lấy làm nhục, vẫn vui vẻ sống với thổ dân và ngâm câu này của Khổng Tử: "Hà lậu chi hữu?" (2) .

Ông nóng tính và có óc trào phúng, làm thơ diễu cợt cả những ông lớn, nên một số người ghét ông, hại ông, nhưng ông không hề thù oán ai cả, việc xong rồi, không để bụng nữa. Ông bảo thấy điều gì bất bình thì xua đi như xua ruồi đậu trên thức ăn, thế thôi.

Vì thiên tài ông trác việt mà tư cách ông cao, nên dân chúng đương thời và cả những thời sau, kính mến ông hơn hết thảy các văn sĩ khác đời Tống. Hồi về già, ông đi ngang qua một miền nào là dân chúng rủ nhau đi đón, xin ông vàichữ làm kỷ niệm, nhờ vậy mà ngày nay người ta còn giữ được nhiều bút tích của ông. Một lần trời nóng quá, ông ở trần đánh một giấc dưới gốc cây trong sân một ngôi chùa, một nhà sư đếm được bảy nốt ruồi trên lưng ông, đâm hoảng, cho ông là vị Văn tinh trên trời giáng xuống. Như vậy đời ông đã thành một huyền thoạt như đời Lý Bạch đời Đường.

Thời đại của ông (thế kỷ XI) là một thời rất đặc biệt: văn minh Trung Hoa đạt tới cái mức rất cao về triết học cũng như về văn học, kiến trúc, hội họa, công nghệ (đồ sứ), nhưng về kinh tế và võ bị lại rất suy nhược, bị các dân tộc Liêu, Tây Hạ ở phía bắc uy hiếp, nhà Tống phải chịu chiến phí rất nặng, lại phải nộp thuế cho họ hàng năm để được yên ổn, cho nên quốc khố rỗng không, tình thế nguy ngập, các nhân tài trong nước hầu hết có tâm huyết, tìm cách cứu vãn, người thủ cựu, kẻ canh tân; triều đình lúc theo cựu pháp, lúc theo tân pháp, gây ra biết bao cuộc thăng trầm, xáo trộn mà rồi rốt cuộc dân Trung Hoa cũng mất một nửa giang sơn, nhường phương Bắc cho dân tộc Kim mà lùi xuống phương Nam, dưới sông Dương Tử. Tô Đông Pha vừa là danh sĩ, vừa đóng một vai trò chính trị quan trọng nên gặp nhiều nỗi gian nan, đau lòng, và chép lại đời ông thì gần như phải chép lại trọn lịch sử thời Bắc Tống. Vì vậy trong cuốn này, ngoài ba cha con họ Tô, chúng tôi còn nhắc tới nhiều nhân vật khác như Tư Mã Quang, Âu Dương Tu, Trình Hạo, đặc biệt là Vương An Thạch, Lữ Huệ Khanh... những người trong phe đối lập với Tô Đông Pha.

Như vậy độc giả vừa biết được đời của ông, vừa hiểu thêm tình hình văn hóa, xã hội, chính trị thời đó nữa.

Tài liệu chúng tôi rút phần lớn trong hai bộ:

-The Gay Genius của Lin Yutang (Lâm Ngữ Đường) John Day Company, New York – 1947.
- Tô Đông Pha tập (3 cuốn) - Thương vụ ấn thư quán 1958. Trong cuốn thượng bộ này có chương Tống sử bản truyện trích đoạn sử đời Tống chép về Tô Đông Pha: non 8.000 chữ, (sử quan thời đó chép kĩ lưỡng thật.)

Ngoài ra chúng tôi tham khảo thêm các cuốn:
- Giản minh Trung Quốc thông sử của Lữ Chấn Vũ, Nhân dân xuất bản xã - 1956,
- Trung Quốc văn học sử, Nhân dân văn học xuất bản xã – 1957.
- Vương An Thạch của Đào Trinh Nhất, Tân Việt 1960.
- Trente Siècles d'Histoie de Chine của Roger Lévy Presses universitaires de France - 1967.

Lời các nhân vật trong sách, chúng tôi đều căn cứ vào sử mà chép, tuyệt nhiên không tiểu thuyết hóa. Lời nào có giọng hơi mới thì chỉ tại chúng tôi không kiếm được nguyên văn chữ Hán mà đành phải dùng bản tiếng Anh của Lin Yutang. Thật lạ lùng, một cuốn sách có giá trị như cuốn The Gay Genius khảo về một văn hào bậc nhất của Trung Hoa mà không được người Trung Hoa dịch lại.

Saigon, ngày 3. 9. 69
N.H.L.

Tất cả các bài của tác giả Tô Ðông Pha - Tô Thức - 蘇軾:

Tô Đông Pha và Phật Ấn - Bài giới thiệu - Sep 09, 2022
Tiền Xích Bích Phú & Hậu Xích Bích - Tô Ðông Pha - Thơ dịch - Sep 08, 2022
Tô Đông Pha và Thiền Sư Phật Ấn - Tiểu luận - Tạp bút - Jul 13, 2017
Đừng Vội !!! - Tiểu luận - Tạp bút - Jul 13, 2017
Thủy Long Ngâm chuyển thể thơ lục bát: ✿MINH SƠN LÊ - Thơ dịch - Mar 27, 2017
Đường thi - Tô Đông Pha - Đường thi Trung Quốc - Mar 17, 2015
Mai Hoa & Hoa Ảnh - Đường thi Trung Quốc - Mar 11, 2015
Xích Bích hoài cổ - Đường thi Trung Quốc - Feb 27, 2011
Tiền Xích Bích phú - 前 赤 壁 賦 (nhac Ba Vong Xa Giap) - Cổ Thi Trung Quốc - Jul 24, 2008
Đông Pha - Cổ Thi Trung Quốc - Jul 11, 2008
Lô sơn - 鑪 山 - Cổ Thi Trung Quốc - Jul 11, 2008